Tư tưởng triết học Vương_Dương_Minh

Chân dung Vương Dương Minh

Thoạt tiên ông đọc Chu Hi, Chu Di giảng 4 chữ "Cách vật trí tri" trong sách Đại học là xét "đến cái lý của sự vật, muốn cho những chữ nhỏ nhặt tới đâu cũng hiểu được thấu đáo". Vương theo lời giảng đó mà bỏ ra 7 ngày liền ngồi dưới một bụi trúc để tìm cái "lý" của cây trúc; nhưng mất công toi, ông sinh ra chán nản.

Mãi ba chục năm sau, ông bỗng nhiên tỉnh ngộ, thấy rằng không thể đến với sự vật để tìm ra đạo lý được, mà đạo lý ở trong tâm ta, hễ ta tu dưỡng làm lành lánh ác, diệt tà niệm cho tâm được sáng suốt thì sẽ thấy Đạo Trời và Đạo Người. Đó là thuyết của Lục Cửu Uyên từ đời Tống. Có lẽ ông không đọc Lục cho nên mới mất 30 năm để tìm lại ra được nó.

Có người hỏi Vương Dương Minh:

Đạo Nho với đạo Phật khác nhau thế nào?

Ông đáp:

Không nên tìm cái đồng, cái dị của đạo Nho, đạo Phật, tìm cái Phải mà học là được vậy.

Vương Dương Minh theo tâm học của Lục Cửu Uyên, coi tâm, đạo và trời là một, nếu hiểu rõ "tâm" [8], thì cũng hiểu được đạo và trời [9]. Ứng dụng tâm học về mặt đạo đức, ông chủ trương "trí lương tri" và "tri hành hợp nhất". "Trí lương tri" (thực hiện triệt để điều hiểu biết tốt lành), vì lương tri là điểm sáng của lòng người, đó cũng là lẽ trời (thiên lý): "Bản thể của tâm là lẽ trời, sự nhận hiểu lẽ trời một cách sáng láng linh diệu là lương tri" [10]. Thuyết "trí lương tri" của Vương Dương Minh kế tục ý niệm "lương tri lương năng" của Mạnh Tử, nhấn mạnh "trí" [11]. Hệ quả của "trí lương tri" là "tri hành hợp nhất". Vương Dương Minh bản thân không có trước tác, nhưng những điều giảng dạy của ông đã được học trò ghi lại thành sách với tên "Ngữ lục", "Văn lục", "Biệt lục", "Phụ lục", vv., gồm 38 quyển với tên "Vương Văn Thành Công toàn thư"[12].

Tóm lại học thuyết của ông kết tinh trong bốn câu dưới đây:

  • Không thiện không ác: ấy là cái thể của Tâm.
  • Có thiện, có ác: ấy là sự động của ý.
  • Biết thiện, biết ác: ấy là lương tri.
  • Làm điều thiện, xua điều ác: ấy là cách vật.

Học thuyết đó hoàn toàn duy tâm, có màu sắc Phật giáo hơn là Khổng giáo.